Hãng Luật Anh Bằng – Quy định về nơi cư trú để xác định Tòa án có thẩm quyền.

QUY ĐỊNH VỀ NƠI CƯ TRÚ CỦA CÁ NHÂN? TÒA ÁN CÓ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT VỤ ÁN? HOLINE TƯ VẤN: 0913 092 912 – 0982 69 29 12

Thông thường, nhiều người suy nghĩ nơi cư trú chỉ đơn giản là nơi ở của mình. Tuy nhiên, trong quan hệ pháp luật, nơi cư trú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nơi cá nhân được bảo vệ các quyền công dân theo quy định của pháp luật; thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với nhà nước trong quan hệ hành chính; xác lập, thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân. Hãng Luật Anh Bằng đã nhận được rất nhiều câu hỏi tư vấn của Quý khách hàng về quy định của pháp luật về nơi cư trú của cá nhân, cách xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án. Mời Quý khách hàng và bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây để có được thông tin chính xác và đầy đủ nhất.

Nơi cư trú của cá nhân - hãng luật anh bằng

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Căn cứ pháp lý:

– Luật Dân sự 2015;

– Luật Tố tụng Dân sự 2015;

– Luật Cư trú 2006, sửa đổi bổ sung 2013;

– Nghị định 31/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật cư trú.

1, Nơi cư trú của cá nhân là gì? Cách xác định nơi cư trú của cá nhân?

Theo quy định tại khoản 1 điều 40 BLDS 2015: “Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống”.

Cách xác định nơi cư trú của cá nhân:

Theo Điều 12 Luật cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2013; nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống, là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Trong đó:

– Nơi thường trú là nơi sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.

– Nơi tạm trú là nơi sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi cư trú theo nơi thường trú hoặc tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống.

Theo quy định tại điều 5 Nghị định 31/2014/NĐ-CP, nơi ở hợp pháp có thể là:

– Nhà ở;

– Tàu, thuyền, phương tiện khác nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân;

– Nhà khác không thuộc các trường hợp nêu trên nhưng được sử dụng nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

Nơi ở hợp pháp này có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ.

Đối với nơi ở hợp pháp do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân, tổ chức tại thành phố trực thuộc Trung ương phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố.

2, Quy định về nơi cư trú của một số đối tượng đặc biệt.

Nơi cư trú của người chưa thành niên:

– Là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

– Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Nơi cư trú của người được giám hộ:

– Là nơi cư trú của người giám hộ.

– Người được giám hộ có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của người giám hộ nếu được người giám hộ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Nơi cư trú của vợ, chồng:

– Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống.

– Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau nếu có thỏa thuận.

Nơi cư trú của quân nhân:

– Là nơi đơn vị của quân nhân đó đóng quân.

– Nơi cư trú của sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng là nơi đơn vị của người đó đóng quân, trừ trường hợp họ có nơi cư trú theo quy định

Nơi cư trú của người làm nghề lưu động:

– Nơi cư trú của người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền, phương tiện hành nghề lưu động khác là nơi đăng ký tàu, thuyền, phương tiện đó, trừ trường hợp họ có nơi cư trú theo quy định.

3, Xác định tòa án có thẩm quyền giải quyết.

Việc xác định thẩm quyền xét xử của tòa án khi giải quyết vụ việc dân sự là bước đầu tiên và quan trọng bậc nhất khi tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu tại tòa án

3.1 Xác định thẩm quyền tòa án theo cấp.

Tòa án nhân dân cấp huyện.

– Các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam

– Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp dưới đây nhưng không có yếu tố nước ngoài (đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài).

– Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, trừ tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính

– Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

– Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

– Tòa án nhân dân cấp Tỉnh có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài (đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài)

– Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.

3.2 Xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ.

– Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định tại khoản 1 Điều 39 như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.”

– Như vậy, khi phát sinh trang chấp dân sự yêu cầu Tòa án giải quyết các bên có quyền tự thỏa thuận bằng văn bản với nhau để chọn Tòa án nơi bị đơn hoặc nguyên đơn cư trú giải quyết, nếu không thỏa thuận được thì nộp tại nơi bị đơn cư trú. Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

– Một số trường hợp ngoại lệ khác tại khoản 1 điều 40 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015. Theo đó, nguyên đơn có quyền tự mình lựa chọn Tòa án trong các trường hợp:

a, Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;

b) Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;

c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;

d) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;

đ) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;

e) Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết;

g) Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;

h) Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;

i) Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết”.

Trên đây là toàn bộ quy định của pháp luật hiện nay về nơi cư trú của cá nhân và thẩm quyền giải quyết vụ án của tòa án. Hi vọng những thông tin trên của Hãng Luật Anh Bằng cung cấp sẽ giúp ích cho Quý khách hàng và bạn đọc. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, vui lòng kết nối tới tới tổng đài tư vấn qua hotline tư vấn: 0913 092 912 – 0982 69 29 12 (Luật sư Minh Bằng). 

Rất mong nhận được sự hợp tác của khách hàng!

Trân trọng.

 


HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. since 2007

VPGD: P. 905, Tòa nhà CT4-5, ngõ 6,Phố Dương Đình Nghệ, Phường Yên Hòa,

Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * 0243. 7.647.459

E : luatsuanhbang@gmail.com * hangluatanhbang@gmail.com

W: anhbanglaw.com – luatsucovandoanhnghiep.vn – hangluatanhbang.vn

Hotline GĐ : 0913 092 912 – 0982 69 29 12 Luật sư Minh Bằng


 Luật pháp - Hãng Luật Anh Bằng