TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ THEO BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ NĂM 2015 | HÃNG LUẬT ANH BẰNG: 0913 092 912
1. Nộp đơn khởi kiện.
– Người nộp đơn khởi kiện có thể nộp đơn qua ba hình thức: Nộp trực tiếp tại Tòa án, gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính, gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
– Khi nhận đơn nộp trực tiếp, Tòa án phải giao Giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với nhận đơn qua dịch vụ bưu chính, sau 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, Tòa án sẽ gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp gửi đơn qua cổng thông tin điện tử của Tòa án, người khởi kiện sẽ nhận được thông báo về việc nhận đơn của Tòa án qua cổng thông tin điện tử của tòa.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án tòa án sẽ phân công một Thẩm phán xem xét đon khởi kiện.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn và có một trong các quyết định sau:
+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện: Trường hợp này người khởi kiện sửa đổi bổ sung theo yêu cầu của tòa án sau đó nộp lại cho tòa.
+ Tiến hành thủ tục Thụ lý vụ án;
+ Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa khác;
+ Trả lại đơn khởi kiện: Trường hợp này người khởi kiện nếu có khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện thì thẩm phán phải ra một trong các quyết định: nhận lại đơn khởi kiện hoặc giữ nguyên quyết định trả lại đơn khởi kiện. Nếu thẩm phán ra quyết định giữ nguyên việc trả lại đơn, người khởi kiện có thể tiếp tục khiếu nại lên tòa án cấp trên.
2. Giai đoạn thụ lý vụ án.
– Tòa án sẽ gửi thông báo thụ lý vụ án (trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án) cho các bên liên quan và phân công thẩm phán giải quyết vụ án.
– Các bên liên quan sau khi nhận được thông báo của tòa án phải có ý kiến bằng văn bản nộp cho Tòa án đối với yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập.
3. Tiến hành hòa giải, công khai chứng cứ.
– Thẩm phán tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự.
– Nếu hòa giải thành ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Nếu hòa giải không thành thì sẽ đưa vụ án ra xét xử.
– Trường hợp vụ án dân sự không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và 207 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thẩm phán chỉ tiến hành phiên họp, kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải.
4. Chuẩn bị xét xử.
– Thời hạn chuẩn bị xét xử:
+ Đối với các vụ án quy định tại Điều 26, 28 BLTTDS là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
+ Đối với các vụ án quy định tại Điều 30, 32 BLTTDS là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
+ Đối với vụ án có tình chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án có thể gia hạn nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án quy định Điều 26, 28 BLTTDS, 01 tháng đối với vụ án quy định Điều 30, 32 BLTTDS.
+ Trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại từ ngày Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án.
– Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tùy từng trường hợp, thẩm phán ra một trong các quyết định sau:
+ Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;
+ Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
+ Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
+ Đưa vụ án ra xét xử.
– Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa, trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
5. Xét xử sơ thẩm.
– Theo quy định tại Điều 222 BLTTDS 2015 phiên tòa phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa.
– Thành phần tham gia phiên tòa được quy định từ Điều 227 đến Điều 232 tại BLTTHS, gồm: Đương sự; Người đại diện của đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; Người làm chứng; Người giám định; Người phiên dịch và Kiểm sát viên.
– HĐXX quyết định hoãn phiên tòa trong các trường hợp sau:
+ Tại phiên tòa, có sự thay đổi người tiến hành tố tụng: thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thẩm tra viên, thư ký tòa án, Kiểm sát viên do HĐXX quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi.
+ Có sự thay đổi người giám định, người phiên dịch tại phiên tòa.
+ Vắng mặt một trong các bên đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
+ Các trường hợp quy định tại điều 227, khoản 2 điều 229, khoản 2 điều 230, khoản 2 điều 231 và điều 241 BLTTDS năm 2015.
+ Thời hạn hoãn phiên tòa không quá 01 tháng, 15 ngày đối với vụ án theo thủ tục rút gọn kể từ ngày ra Quyết định hoãn phiên tòa.
– Trường hợp tạm ngừng phiên tòa được quy định tại điều 259 BLTTDS năm 2015
+ Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 01 tháng kể từ ngày HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa.
6. Xét xử phúc thẩm.
– Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
– Sau 15 ngày kể từ ngày Tòa án sơ thẩm ra bản án thì một trong các bên đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự, Viện kiểm sát có quyền kháng cáo, kháng nghị lại bản án.
– Khi thực hiền quyền kháng cáo, người kháng cáo phải nộp đơn kháng cáo. Sau khi nhận được đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và đương sự có liên quan đến kháng cáo. Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị phải gửi ngay quyết định kháng nghị đến đương sự có liên quan.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, TAND cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, hồ sơ vụ án, quyết định kháng nghị cho Tòa án cấp phúc thẩm.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, TAND phải thông báo cho các đương sự, cơ quan tổ chức liên quan bằng văn bản và thông báo trên cổng thông tin điện tử của Tòa án.
– Chánh án TAND cấp phúc thẩm lập hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công một thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa.
– Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, TA ra một trong các quyết định sau:
+ Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;
+ Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;
+ Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm
– Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, đương sự được bổ sung tài liệu chứng cứ theo quy định tai điều 287 BLTTDS năm 2015.
– Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, việc tạm đình chỉ, đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án được thực hiện theo quy định tại điều 288, 289 của BLTTDS năm 2015.
– Việc hoãn phiên tòa phúc thẩm quy định tại điều 296 BLTTDS.
– Việc tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại điều 259 BLTTDS năm 2015.
– Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp nếu trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, vụ án thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật này.
– Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Theo quy định tại khoản 2 Điều 289 của Bộ luật này.
+ Người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà không có mặt theo quy định tại khoản 3 Điều 296 của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án có người khác kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị.
8. Thủ tục Giám đốc thẩm.
Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại Điều 326 có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, kết luận trong bản án không phù hợp Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án.
Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
– Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn, cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự
– Đương sự đươc quyền bổ sung, xác minh tài liệu, chứng cứ trong thủ tục giám đốc thẩm (Điều 330), thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị giám đốc thẩm điều 335.
– Thời hạn Kháng nghị Giám đốc thẩm là 03 năm kể từ ngày Bản án, Quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, trong trường hợp đặc biệt có thể được gia hạn thêm 02 năm (Điều 334 BLTTDS 2015).
– Trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa để xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.
– Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán làm bản thuyết trình về vụ án tại phiên tòa. Bản thuyết trình tóm tắt nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp Tòa án, nội dung của kháng nghị. Bản thuyết trình phải được gửi cho các thành viên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chậm nhất là 07 ngày trước ngày mở phiên tòa giám đốc thẩm.
– Thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm:
+ Giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa Điều 344.
+ Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm Điều 345.
+ Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án Điều 346.
+ Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật Điều 347.
9. Thủ tục tái thẩm.
Có căn cứ quy định tại điều 352 khi phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết; Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;…
– Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm (điều 355 BLTT 2015)
– Hội đồng xét xử tái thẩm có thẩm quyền:
+ Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
+ Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Bộ luật này quy định.
+ Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án.
Hãng Luật Anh Bằng, trân trọng được gửi tới Quý Bạn đọc tham khảo *. Nếu có bất kỳ vấn đề gì bận tâm liên quan, xin mời Quý Bạn đọc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, trợ giúp. Điện thoại: 0243.7.673.930 – 0243.7.675.594 (HC) * 0913092912 – 0982692912 (24/7).
Trân trọng.
HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. since 2007 | VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4.5, ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội| Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * E : luatsuanhbang@gmail.com | Hotline GĐ : 0913 092 912 – 0982 69 29 12 Luật sư Minh Bằng