Tranh chấp tài sản chung dòng họ – Ai có thể đứng đơn kiện đòi ?

TRANH CHẤP TÀI SẢN CHUNG DÒNG HỌ – AI CÓ THỂ ĐỨNG ĐƠN KIỆN ?

Chào Luật sư !
Tôi Nhữ Văn Lượng tại Hà Nội, xin được hỏi luật sư tư vấn việc thành viên dòng họ chết có văn tự hậu nhà đất cho họ xây nhà thờ, một thành viên dòng họ chiếm dụng không trả. Vậy, dòng họ làm thế nào để kiện đòi, ai đại diện đứng ra thưa kiện ?

Nội dung vụ án như sau:
Chú thím bên ngoại tôi, không có con sinh thời có lập văn tự hiến nhà đất diện tích 963m2 để làm nhà thờ họ và cậu mợ khi về tổ tiên. Năm 2000 chú mất, năm 2008 thím mất. Sau khi thím mất, dòng họ Nhữ có tiến hành họp để thực hiện di huấn của các cụ, cử ra ban đại diện quản lý, kiến thiết việc xây nhà thờ họ gồm 05 người và thống nhất cử ông Dụng đứng ra quản lý, trong coi nhà đất của hai cụ, thu hoạch hoa lợi cây trái và lo việc giỗ tiết 2 cụ.Việc cử có lập văn bản, các thành viên ký trước sự chứng kiến ông trưởng thôn và đóng dấu UBND xã. Năm 2010, họ có họp bàn thống nhất việc nộp quỹ đinh để huy động nguồn lực kiến thiết nhà thờ họ, mỗi đinh đóng 1 triệu/năm. Năm 2018 họ họp bàn việc kiến thiến nhà thờ, có 2 luồng quan điểm khác nhau về kiến thiết là bài bản theo lối cổ và giản đơn, ông Cương và ông trưởng ban về phía đơn giản. Tuy vậy, chiểu theo đa số thành viên quyết định theo hướng kiến thiết bài bản lối cổ. Sau buổi họp, ông Dụng có đơn xin ra khỏi họ, đòi lại xuất đóng đinh của gia đình (03 đinh). Họ đã trả lại xuất đinh cho ông Dụng, 2 con ông Dụng không rút; họ đề nghị ông bàn giao lại nhà đất để họ triển khai kiến thiết, ông Dụng không hợp tác, khóa trái cửa, cổng và tuyên bố nhà đất là của ông đã được nhà nước công nhận chính chủ. Họ có đơn ra xã giải quyết, tại UB xã ông Dụng có xuất trình bản photo GCN cấp năm 2014, hội nghị hòa giải không thành.

Năm 2019, tôi và 02 thành viên khác trong họ ký đệ đơn kiện lên tòa án giải quyết, sau đó chúng tôi được triệu tập lên làm việc về đơn kiện. Tại tòa án, cán bộ thẩm tra đơn kiện có yêu cầu bổ sung danh sách các chi, danh sách toàn bộ thành viên (đủ 18 tuổi) dòng họ, biên bản họp các chi, dòng họ về việc ủy quyền cử đại diện thưa kiện.
Với yêu cầu này chúng tôi thấy không thể thực hiện được, vì con cháu dòng họ đông, thoát ly muôn phương, khó xác định được đầu mối liên hệ, thậm chí còn có người ra nước ngoài, chúng tôi chỉ có thể thông kê danh sách, tổ chức họp được trong phạm vi gốc tại địa phương và một số đầu chi, gia đình, cá nhân thường xuyên về thăm quê giỗ tiết.
Vậy xin được hỏi luật sư giải đáp cho biết yêu cầu cả tòa như vậy có đúng không ? Chúng tôi cần làm gì để đòi đất hương hỏa cho dọng họ?
Chân thành biết ơn Luật sư !

Trước tiên, Hãng Luật Anh Bằng trân trọng cảm ơn ông đã tin tưởng, gửi thông tin vụ án yêu cầu Hãng Luật Anh Bằng tư vấn pháp luật.
Theo thông tin ông cung cấp, nhận thấy vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai (kiện đòi tài sản là nhà đất) được hậu cho dòng họ với thành viên dòng họ (ông Dụng), người được giao trông coi, quản lý nhưng đã chiếm dụng và hợp thức hóa việc đăng ký đất đai đứng tên mình.

Theo đạo lý, phong tục cổ truyền cha ông về nguồn cội, hiếu kính các bậc tiền bối, ông bà cha mẹ tại nơi gốc rễ để con cháu muôn phương hướng về các dịp giỗ tiết, lễ tết…; việc họ, chi… do đóng góp, hậu…mà có đất đai nhà cửa, tài sản để kiến thiết nhà thờ, từ tường, không gian sinh hoạt tâm linh là phổ biến trong cộng đồng làng xã nước ta. Từ đó, việc tranh chấp dân sự liên quan đến khối tài sản này cũng xảy ra khá phổ biến và gây nhiều khó khăn, vướng mắc, trở ngại trong quá trình giải quyết tại tòa án.

Để khắc phục tình trạng này, ngày 05/3/2020, HĐTP Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐTP để áp dụng một số quy định liên quan đến tài sản chung của dòng họ. Theo đó, quy định:
Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1).
Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về xác định thành viên dòng họ; quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ; đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ; địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nhập vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.

Về Xác định thành viên dòng họ (Điều 2).
Thành viên dòng họ là cá nhân trong dòng họ được xác định theo tập quán phổ biến, được thừa nhận nơi dòng họ tồn tại. Các bên tranh chấp có trách nhiệm cung cấp họ, tên, địa chỉ của thành viên dòng họ.
Về Quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ (Điều 3).
1. Thành viên dòng họ có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
2. Dòng họ không phải là nguyên đơn. Tập thể (ví dụ: chi họ, nhánh họ, hội đồng gia tộc…) không có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ.

Về Đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ (Điều 4).
1. Nguyên đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.
2. Bị đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người bị kiện. Bị đơn có thể là thành viên dòng họ hoặc người không phải là thành viên dòng họ nhưng có quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản chung của dòng họ.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bao gồm thành viên khác của dòng họ và người không phải là thành viên dòng họ. Thành viên khác của dòng họ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu được đương sự đề nghị và Tòa án chấp nhận trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Như vậy, theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2020 thì bất kỳ cá nhân (thành viên) nào trong dòng họ (đủ năng lực hành vi dân sự) đều có quyền đứng bên nguyên để kiện đòi nhà đất hương hỏa (tài sản chung của dòng họ). Dòng họ (tập thể, chi, nhánh…) không phải là nguyên đơn, không có quyền khởi kiện. (Điều 3)

Nên, yêu cầu (nêu trên) của tòa án là không đúng. Ông và 02 thành viên khác đương nhiên có quyền đứng bên nguyên ký đơn kiện đòi tài sản của dòng họ.
Chúc thành công !

Nếu có bất kỳ vấn đề pháp lý nào bận tâm xin mời liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, trợ giúp pháp lý kịp thời. Đường dây nóng tư vấn toàn quốc: 0243.7.675.594 (HC) | 0913092912 – 0982692912 (cả ngày Thứ 7, CN)
Trân trọng.

Hãng Luật Anh Bằng | Luật sư tư vấn | Dân sự | HNGĐ | Kinh tế | Lao động | Hành chính | Tranh tụng | Hình sự…

HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. Since 2007 | VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4.5, ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội | Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * E : luatsuanhbang@gmail.com | Hotline GĐ :0913 092 912 – 0982 69 29 12 Luật sư Bùi Minh Bằng | Web: hangluatanhbang.vn