Quy định về định giá Thương hiệu, tài sản khi cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước – Những bất cập, nghịch lý.

THƯƠNG HIỆU “ HÃNG PHIM TRUYỆN VIỆT NAM ” GIÁ O ĐỒNG – BẤT CẬP, TRÁI QUY LUẬT THỊ TRƯỜNG TRONG QUY ĐỊNH VỀ CỔ PHẦN HÓA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC


Việc tạo dựng nên một thương hiệu là cả một quá trình không hề dề dàng. Thương hiệu chính là quy tụ của tài năng trí tuệ, sự sàng lọc những tinh hoa của nhân loại và được khẳng định bằng thước đo của thời gian. Cũng chính bởi lẽ đó, thương hiệu được xem như là một tài sản vô giá và việc định giá thương hiệu là một việc vô cùng khó và cần một quy trình chặt chẽ và nghiêm ngặt.

Hãng phim truyện Việt Nam             Hãng phim truyện VN

Trong những ngày gần đây cả dư luận đang hướng tới vụ việc giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam – VFF (VFS) được định giá 0 đồng. Với lịch sử gần 60 năm, một chặng đường dài gắn liền với công cuộc giữ nước và dựng nước hào hùng của dân tộc đã khẳng định nên tên tuổi lớn với rất nhiều bộ phim kinh điển không những đối với nền điện ảnh Việt Nam mà cả đối với nền điện ảnh khu vực và thế giới như: Em bé Hà Nội, Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng 10…(CNN từng đánh giá Bao giờ cho đến tháng 10 là một bộ phim của mọi thời đại). Cũng như NSND – đạo diễn Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khẳng định: “Nơi đây là cánh chim đầu đàn, là cái nôi của tất cả nghệ sĩ đã tạo nên thương hiệu cho nền điện ảnh Cách mạng”. Vậy nhưng, thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam lại chỉ được định giá 0 đồng cũng chỉ bởi những lùm xùm xoay quanh câu chuyện cổ phần hóa và những quy định thiếu thực tiễn, bất hợp lý về cổ phần hóa.

Liên quan đến vấn đề này, Đạo diễn Quốc Tuấn cho rằng: “Hãng phim truyện Việt Nam đã sáng tạo nên những bộ phim có giá trị lịch sử quý báu, không gì thay thế được. Thế nhưng khi cổ phần hoá, hãng phim đang đứng trước bờ vực xoá sổ. Chưa có cuộc cổ phần hoá nào lại đẫm nước mắt và nhục nhã như cuộc cổ phần hoá tại Hãng phim truyện Việt Nam. Hành động của Ban chỉ đạo cổ phần hoá là thiếu minh bạch, lén lút…”

Giải thích vấn đề này, ông Trần Hoàng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ VHTTDL cho biết: “Trên căn cứ các hồ sơ của Hãng phim truyện Việt Nam xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 30/9/2014. Trong vòng 5 năm kể trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, phần Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam không có chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty, xây dựng trang web… nên công ty không tập hợp được chi phí thực tế để tạo dựng thương hiệu. Vì vậy, ông Hoàng cho rằng căn cứ theo hướng dẫn xác định giá trị thương hiệu thì giá trị thương hiệu của công ty tại thời điểm 30/9/2014 là 0 đồng.”

Trong hệ thống các văn bản pháp quy của Nhà nước hiện nay, việc định giá thương hiệu được quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và tại Thông tư 127/2014/TT-BTC ngày 5/9/2014 Hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 32, Nghị định 59/2011/NĐ-CP quy định: “Giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa gồm giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển”.

Mục a, Khoản 7, Điều 18 Thông tư 127/2014/TT-BTC nêu: “Giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 5 năm, bao gồm chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty; xây dựng trang web….”.

Quy định này chỉ tính đến yếu tố hữu hình (phép cộng chi phí), không tính đến yếu tố cốt lõi của Thương hiệu – đó là quyền Sở hữu trí tuệ, tài sản vô hình, vô giá khẳng định danh tiếng của Thương hiệu. Chúng ta thấy, giá trị của những thương hiệu nổi tiếng, danh tiếng trên thế giới không phải là ở những tài sản hữu hình nhìn thấy được, cầm nắm được mà chính là ở quyền Sở hữu trí tuệ – tài sản vô hình, vô giá của chủ sở hữu.

Nhận thấy, pháp luật Việt Nam còn rất nhiều bất cập, trái thực tiễn trong việc định giá thương hiệu. Các văn bản luật chuyên ngành về Sở hữu trí tuệ, cổ phần hóa doanh nghiệp… còn quy định rất chung chung; chưa có quy định cụ thể, chi tiết về việc định giá bởi vậy dẫn đến việc định giá thương hiệu trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, trái quy luật của nền kinh tế thị trường.

Thương hiệu – Quyền Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là nguồn tài nguyên vô tận, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Vì vậy, việc định giá chính xác thương hiệu luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Để khắc phục những hạn chế của những quy định cũ, Chính phủ đã tiến hành sửa đổi bổ sung nghị 59/2011/NP-CP theo định hướng bắt kịp quy luật của nền kinh tế thị trường, chú trọng hơn, chặt chẽ hơn trong việc xác định giá trị thương hiệu và cụ thể hóa các quy định về định giá thương hiệu. Sửa dổi này tới đây hứa hẹn sẽ tạo ra dấu ấn đột phá mới và tác động tích cực trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp cũng như định giá thương hiệu theo quy luật của nền kinh tế thị trường.


HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. since 2007

VPGD: P. 1503, Tòa nhà HH1 Phố Dương Đình Nghệ, Quận Cầu Giấy, Hà Nội 

Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * 0982692912

Web: anhbanglaw.com | luatsucovandoanhnghiep.vn

Email: luatsuanhbang@gmail.com | hangluatanhbang@gmail.com

Hotline tư vấn Sở hữu trí tuệ: 0913 092 912 * 0982 69 29 12 – Luật sư Bằng

Hotline Tư vấn Sở hữu trí tuệ trực tuyến: 0913092912 – 0982692912