Tranh chấp lao động về tiền lương thì giải quyết như thế nào ? Trình tự, thủ tục ?

Tranh chấp lao động về chế độ tiền lương thì giải quyết như thế nào ? Trình tự, thủ tục ?

Chào Luật sư. Tôi ở bộ phận công đoàn công ty gia công thứ cấp, với đặc thù hoạt động nhiều khâu, công đoạn đòi hỏi bằng cấp, trình độ chuyên môn, kỹ năng khác nhau kéo theo quy định về việc làm, tiền lương, thưởng, phụ cấp, bhxh…cũng khác nhau ở các phân xưởng, trong từng phân xưởng sản xuất, gia công…Vậy, cho nên xung đột, tranh chấp về chế độ lương, thưởng…thường xuyên xảy ra đặc biệt là đối với công nhân làm việc một thời gian có kỹ năng, tay nghề nâng lên…; tinh thần chỉ đạo của Ban lãnh đạo là thương lượng, hòa giải trực tiếp với người lao động. Vậy, xin giải đáp cho tôi được biết quy định của pháp luật lao động về giải quyết tranh chấp về chế độ tiền lương với người lao động. Tôi xin chân thành biết ơn luật sư nhiều ! Nguyễn Thị Thu Huyền – BD.

Cảm ơn chị đã gửi yêu cầu trợ giúp đến Hãng Luật Anh Bằng. Về vấn đề trên, chúng tôi xin được giải đáp quy định của pháp luật lao động như sau:

1. Khái niệm về tranh chấp lao động về tiền lương:

Tranh chấp tiền lương là việc mâu thuẫn trong việc thực hiện công việc và trả lương giữa người sử dụng lao động và người lao động. Mâu thuẫn này xuất phát từ việc không có sự thống nhất giữa nhu cầu về tiền lương của người lao động và việc trả lương của người sử dụng lao động.

Về bản chất, tranh chấp lao động về tiền lương là tranh chấp lao động, chính vì vậy nó cũng được chia thành 2 tranh chấp chính là tranh chấp lao động cá nhân về tiền lương và tranh chấp lao động tập thể về tiền lương.

2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động về tiền lương:

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động về tiền lương được quy định tại Điều 180 Bộ luật Lao động 2019:

“Điều 180. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động

1. Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

2. Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.

3. Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.

4. Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

5. Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.”

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

3. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động về tiền lương:

3.1. Giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng trực tiếp giữa các bên:

Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên trực tiếp gặp nhau để giải quyết mâu thuẫn về tiền lương mà không cần sự tham gia của bên thứ ba. Thương lượng được coi là bước đầu tiên trước khi các bên lựa chọn hoặc phải tham gia vào một phương thức giải quyết tranh chấp khác. Trong quá trình thương lượng, các bên tham gia sẽ cùng nhau xem xét và bàn bạc về các khả năng đi đến giải quyết vấn đề bất đồng bằng cách do chính họ lựa chọn. Thương lượng không phải thủ tục bắt buộc đầu tiên nên các bên có thể bỏ qua bước thương lượng để yêu cầu giải quyết tranh chấp theo thủ tục luật định.

3.2. Giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải viên lao động:

a. Tranh chấp lao động cá nhân về tiền lương: (Căn cứ vào Điều 188 Bộ luật Lao động 2019)

Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động được quy định tại Khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019.

Các bên tranh chấp có thể gửi đơn yêu cầu đến hoà giải viên lao động hoặc gửi đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc uỷ ban nhân dân. Hoà giải viên lao động phải kết thúc việc hoà giải trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải. Tại phiên họp hòa giải phải có mặt hai bên tranh chấp.

Trường hợp các bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.

Trường hợp các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Trường hợp các bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.

Trường hợp phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành. Biên bản hòa giải không thành phải có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hòa giải viên lao động.

Trường hợp một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì bên kia có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.

b. Tranh chấp lao động tập thể về tiền lương: (Căn cứ vào Điều 192 Bộ luật Lao động 2019).

Việc giải quyết thông qua thủ tục hoà giải của hoà giải viên lao động trước khi yêu cầu hội đồng trọng tài hay toà án giải quyết là bắt buộc đối với giải quyết tranh chấp lao động tập thể về tiền lương.

Thủ tục và nội dung giải quyết của hoà giải viên lao động với tranh chấp lao động tập thể về quyền tương tự như giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Kết quả cũng là biên bản hoà giải thành nếu các bên thoả thuận được hoặc nhất trí với phương án hoà giải của hoà giải viên. Biên bản hoà giải không thành sẽ được lập trong trường hợp các bên không nhất trí với phương án hoà giải của hoà giải viên hoặc triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà một bên tranh chấp vẫn vắng mặt không có lí do chính đáng.

3.3. Giải quyết tranh chấp lao động tại Hội đồng trọng tài lao động:

a. Tranh chấp lao động cá nhân về tiền lương: (Căn cứ vào Điều 189 Bộ luật Lao động 2019).

Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp: không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019 hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải quy định mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành theo quy định tại khoản 4 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019.

Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi cho các bên, luật đã quy định cụ thể thời hạn giải quyết tranh chấp của hội đồng trọng tài, theo đó: (i) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 189 Bộ luật Lao động năm 2019, ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp; (ii) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban trọng tài lao động được thành lập, ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp. Trường hợp hết thời hạn 07 ngày theo quy định mà ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn 30 ngày quy định khoản 3 Điều 189 Bộ luật Lao động năm 2019 mà ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu toà án giải quyết. Đồng thời, nếu một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu toà án giải quyết.

b. Tranh chấp lao động tập thể về tiền lương: (Căn cứ vào Điều 193 Bộ luật Lao động 2019).

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, căn cứ vào quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác, Ban trọng tài phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.

Khi hết thời hạn 7 ngày trên mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn 30 ngày mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

3.4. Giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án:

Trong các trường hợp tranh chấp không bắt buộc phải qua hoà giải; hết thời hạn hoà giải mà không tiến hành hoà giải; hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thoả thuận trong biên bản hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu hội đồng trọng tài lao động hoặc toà án giải quyết. Trường hợp các bên lựa chọn phương thức giải quyết tại hội đồng trọng tài thì trong thời gian hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp các bên không được đồng thời yêu cầu toà án giải quyết, chỉ trong trường hợp ban trọng tài không được thành lập hoặc hết thời hạn giải quyết màkhông ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của ban hoà giải thì các bên có quyền yêu cầu toà án giải quyết. Đương nhiên, toà án chỉ thụ lý những vụ việc đúng thẩm quyền và đảm bảo yêu cầu về thời hiệu giải quyết. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Chúc chị thành công.

Nếu có bất kỳ vấn đề pháp lý nào bận tâm xin mời liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, trợ giúp pháp lý kịp thời. Đường dây nóng tư vấn toàn quốc: 0243.7.675.594 (HC) | 0913 092 912 –  Zalo: 0982 692 912 (cả ngày Thứ 7, CN)

Trân trọng.

Hãng Luật Anh Bằng | Luật sư tư vấn | Dân sự | Đất đai | HNGĐ | Kinh tế | Lao động | Hành chính | Tranh tụng | Hình sự…

HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. Since 2007 | VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4.5, ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội | Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * E : luatsuanhbang@gmail.com | Hotline GĐ: 0913 092 912 – 0982 69 29 12 Luật sư Bùi Minh Bằng | Web: hangluatanhbang.vn