Vi phạm nghĩa vụ theo Hợp đồng kinh tế phải chịu chế tài xử phạt như thế nào ?

VI PHẠM NGHĨA VỤ HỢP ĐỒNG KINH TẾ PHẢI CHỊU CHẾ TÀI XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO ?

1. Vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là gì ?.

Nghĩa vụ hợp đồng được hiểu là việc một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền) dựa trên căn cứ giao kết hợp đồng của các bên.

Vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ (Khoản 1 Điều 351 BLDS). Cũng theo quy định này, bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

2. Chế tài xử lý vi phạm.

Theo quy định tại Điều 292 Luật thương mại năm 2005 gồm các chế tài sau:

– Buộc thực hiện đúng hợp đồng.

– Phạt vi phạm.

– Buộc bồi thường thiệt hại.

– Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.

– Đình chỉ thực hiện hợp đồng.

– Huỷ bỏ hợp đồng.

Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.

2.1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng.

Căn cứ vào điều 297 Luật thương mại 2005 đã quy định rõ về chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng như sau:

– Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh.

– Trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thoả thuận trong hợp đồng. Trường hợp bên vi phạm giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Bên vi phạm không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm.

– Trong trường hợp bên vi phạm không thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này thì bên bị vi phạm có quyền mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hoá, dịch vụ ghi trong hợp đồng và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có; có quyền tự sửa chữa khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ và bên vi phạm phải trả các chi phí thực tế hợp lý.

– Bên bị vi phạm phải nhận hàng, nhận dịch vụ và thanh toán tiền hàng, thù lao dịch vụ, nếu bên vi phạm đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều này.

– Trường hợp bên vi phạm là bên mua thì bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền, nhận hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác của bên mua được quy định trong hợp đồng và trong Luật này.

2.1. Chế tài phạt vi phạm.

Căn cứ điều 300,301 Luật thương mại 2005 đã quy định về chế tài phạt vi phạm. Vậy điểm khác nhau giữa phạt vi phạm của Luật Dân sự và Luật Thương mại như thế nào, chúng ta so sánh như sau:

* Đối tượng áp dụng:

– Luật thương mại: Quan hệ được Luật Thương mại điều chỉnh: hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi.

– Luật dân sự: Quan hệ dân sự.

* Mức phạt vi phạm:

– Luật thương mại: Không quá 8% giá trị phần nghĩ vụ hợp đồng vi phạm (điều 301 Luật thương mại 2005).

– Luật dân sự: Do các bên thỏa thuận.

* Quan hệ với chế tài bồi thường thiệt hại.

– Luật Thương mại: Không có thỏa thuận phạt vi phạm thì chỉ có quyền đòi yêu cầu bồi thường thiệt hại; Có thỏa thuận phạt vi phạm thì có thể áp dụng áp dụng đồng thời hai chế tài.

– Luật dân sự: Có thể chỉ áp dụng chế tài phạt vi phạm; Có thể thoả thuận đồng thời hai chế tài; Có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm vừa phải bồi thường thiệt hại thì chỉ được áp dụng chế tài phạt vi phạm.

2.3. Chế tài bồi thường thiệt hại.

Khái niệm về bồi thường thiệt hại được quy định tại điều 302 Luật thương mại 2005 như sau:

“Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.”

Như vậy, có thể hiểu là khi một bên vi phạm hợp đồng thương mại thì bên kia có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại. Hợp đồng thương mại là hợp đồng giữa các bên mà có ít nhất một bên là thương nhân và hợp đồng vì mục đích kinh doanh có lợi nhuận.

* Căn cứ phát sinh:

– Luật thương mại: Có hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế; hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

– Luật dân sự: Có hành vi vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng.

* Các khoản bồi thường:

– Luật thương mại: Bao gồm: các giá trị tổn thất thực tế và khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng.

– Luật dân sự: Bao gồm: thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Nếu bên vi phạm có một phần lỗi thì bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình

* Quyền và nghĩa vụ của bên bị vi phạm:

– Luật thương mại: Bên bị vi phạm có nghĩa vụ chứng minh tổn thất và nghĩa vụ hạn chế tổn thất; Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán.

– Luật dân sự: Bên bị vi phạm có nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.

2.4. Chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng.

Theo điều 308 Luật thương mại 2005 được hiểu chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên yêu cầu bên kia tạm thời không thực hiện nghĩa vụ của mình trong hợp đồng.

Chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng áp dụng trong các trường hợp cụ thể sau:

* Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng

* Một bên vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng

Hậu quả pháp lý của việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng được quy định rất rõ tại điều 309 Luật thương mại 2005.

Khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn có hiệu lực, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật

Do đó, theo quy định của pháp luật hiện hành thì hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện hoàn toàn có thể tiếp tục thực hiện.

2.5. Chế tài đình chỉ hợp đồng.

Đình chỉ thực hiện hợp đồng là chấm dứt nửa chừng việc thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng đã kí.

Căn cứ pháp lý của chế tài này nằm tại Điều 310 Luật Thương mại 2005, theo đó đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với bên còn lại.

Đình chỉ thực hiện hợp đồng xảy ra trong các trường hợp:

1) Có sự thoả thuận bằng văn bản giữa các bên;

2) Một bên đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng khi bên kia vi phạm hợp đồng mà sự vi phạm đó là điều kiện huỷ hợp đồng.

Hậu quả pháp lí:

– Trường hợp chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng.

– Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đồng thời với việc áp dụng chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng.

2.6. Chế tài huỷ bỏ hợp đồng.

Chế tài thương mại là biện pháp xử lý của Nhà nước đối với người có hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thương mại. Căn cứ điều 292 Luật thương mại 2005, chế tài hủy bỏ hợp đồng thương mại là một trong những chế tài thương mại theo quy định của Luật thương mại.

Chế tài hủy bỏ hợp đồng có thể bao gồm hủy bổ toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ hợp đồng.

Trường hợp hủy toàn bộ hợp đồng: Bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng.

Trường hợp hủy bỏ một phần hợp đồng: Bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực.

Điều kiện để hủy bỏ hợp đồng thương mại.

Căn cứ điều 312 Luật thương mại 2005, một bên có thể tiến hành hủy bỏ hợp đồng khi thuộc một trong các yếu tố sau đây:

Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng;

Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Ngoài ra bên bị vi phạm cũng có thể hủy bỏ hợp đồng khi bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện hợp đồng.

Khi một bên đơn phương hủy bỏ hợp đồng thương mại cần phải thông báo ngay cho bên còn lại về quyết định của mình. Việc không thông báo hay thông báo chậm trễ gây thiệt hại cho các bên, bên hủy bỏ hợp đồng có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại gây ra.

Hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng.

Căn cứ điều 314 Luật thương mại 2005, sau khi thực hiện hủy bỏ hợp đồng sẽ phát sinh những hậu quả pháp lý sau:

Hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết.

Các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi huỷ bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp.

Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền.

Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này.

* Phân loại:

– Luật thương mại:

+ Gồm hai loại: huỷ bỏ toàn bộ hợp đồng và huỷ bỏ một phần hợp đồng;

+ Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng. Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

– Luật dân sự:

+ Không phân loại.

+ Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận, Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng, Luật quy định khác

Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự sử dụng không đồng nhất hai khái niệm vi phạm cơ bản và phạt vi phạm. Tuy nhiên, nội hàm của cả hai khái niệm này giống nhau, cùng là: có sự vi phạm làm cho một bên không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.

Quý vị, nếu có vấn đề pháp lý bận tâm vui lòng liên hệ với luật sư của chúng tôi để được tư vấn, trợ giúp kịp thời. Đường dây nóng tư vấn pháp luật toàn quốc: 0913 092 912 – Zalo 0982692912

Trân trọng.

Hãng Luật Anh Bằng | Luật sư tư vấn | Doanh nghiệp | Đầu tư | Sở hữu trí tuệ | Dân sự | HNGĐ | Kinh tế | Hợp đồng | Lao động | Hành chính | Tranh tụng | Đại diện …

HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. since 2007 | VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4.5, ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội | Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * E : luatsuanhbang@gmail.com | Hotline GĐ: 0913 092 912 – Zalo 0982 69 29 12 Luật sư Minh Bằng | Web: hangluatanhbang.vn