Xâm phạm quyền tác giả phải đối mặt với những chế tài xử lý nào ?

XÂM PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ PHẢI ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG CHẾ TÀI XỬ LÝ NÀO ?

1. Như thế nào là hành vi xâm phạm quyền tác giả ?

Để hiểu được hành vi xâm phạm quyền tác giả là gì, trước hết cần làm rõ khái niệm quyền tác giả. Dẫn chiếu theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, 2022 ( sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ): “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.”

Về hành vi xâm phạm quyền tác giả, pháp luật Sở hữu trí tuệ không ghi nhận một định nghĩa cụ thể mà liệt kê các hành vi/nhóm hành vi xâm phạm quyền tác giả tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ và được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 17/2023/NĐ-CP:

Điều 28 quy định về Hành vi xâm phạm quyền tác giả như sau:

1. Xâm phạm quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật này.

2. Xâm phạm quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.

3. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các điều 25, 25a và 26 của Luật này.

4. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều này và Điều 35 của Luật này.

5. Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả.

6. Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

7. Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

8. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật này.

Nhìn chung, hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể được chia thành 3 nhóm: (i) nhóm hành vi xâm phạm quyền nhân thân; (ii) nhóm hành vi xâm phạm quyền tài sản; (iii) nhóm hành vi xâm phạm các biện pháp bảo vệ quyền tác giả. Từ đó, có thể định nghĩa: Hành vi xâm phạm quyền tác giả là những hành vi trái pháp luật của tổ chức, cá nhân gây tổn hại đến lợi ích có được từ việc sáng tạo hay sở hữu tác phẩm của tổ chức, cá nhân khác hoặc xâm phạm các biện pháp bảo vệ quyền tác giả.

Hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng trên thực tế bởi lẽ, sở hữu trí tuệ được khẳng định là “ công cụ đắc lực để phát triển kinh tế”, nếu không có những biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, bảo vệ quyền tác giả nói riêng một cách hiệu quả thì có thể dẫn đến tính kém cạnh tranh, mất động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, sở hữu trí tuệ còn là kết quả của một quá trình sáng tạo, đầu tư trí tuệ, tiền bạc, công sức của cá nhân, tổ chức, việc xâm phạm đến quyền tác giả rất có thể sẽ làm giảm, thậm chí triệt tiêu sức sáng tạo trên thực tế.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, ngoài các quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả, để cân bằng giữa lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng đưa ra các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao và các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao tại Điều 25 và Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Chế tài xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ quy định biện pháp xử lí hành vi xâm phạm quyền sở hữu như sau:

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, ­­có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

2. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”

* Trách nhiệm dân sự:

Quy định về các biện pháp dân sự xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được ghi nhận từ Điều 202 đến Điều 210, thuộc chương XVII của Luật Sở hữu trí tuệ.

Về nguyên tắc, quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng là một quyền dân sự về tài sản nên bồi thường thiệt hại là một trong những biện pháp để xử lý hành vi xâm phạm đến quyền tác giả. Song với đặc thù là tài sản vô hình nên cơ chế bảo vệ trước những hành vi xâm phạm cũng có những điểm khác biệt, cụ thể: Theo quy định tại Khoản 6 Điều 203 Luật Sở hữu trí tuệ “Trong trường hợp có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì nguyên đơn phải chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra và nêu căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 205 của Luật này” , thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra có thể là thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

Ngoài ra, Luật sở hữu trí tuệ còn ghi nhận những hình thức trách nhiệm pháp lý khác để góp phần bảo vệ quyền tác giả, khôi phục những thiệt hại, tổn thất mà chủ thể có quyền bị xâm phạm, như: buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

* Trách nhiệm hành chính.

Biện pháp hành chính được áp dụng xử phạt hành vi xâm phạm quyền tác giả thuộc một trong các trường hợp được ghi nhận tại Điều 211, bao gồm:

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;

– Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;

– Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

Ngày 16/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 131/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, theo đó: hình thức xử phạt hành chính được áp dụng với mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả như:

– Buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm, tên người biểu diễn;

– Buộc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan;

– Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số;

– Buộc hoàn trả cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

* Trách nhiệm hình sự.

Pháp luật Sở hữu trí tuệ quy định: “ cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự” (Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ).

Bên cạnh đó, tại Điều 225 Bộ luật hình sự 2015 cũng quy định về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, theo đó:

Nếu cố ý thực hiện một trong các hành vi như sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình mà chưa được phép của chủ thể quyền tác giả thì cá nhân có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến  1.000.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ 3 năm hay phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Đối với pháp nhân thương mại, nếu thực hiện một trong các hành vi kể trên có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 02 năm; cấm hoạt động kinh doanh một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn từ 01 đến 03 năm.

Hãng Luật Anh Bằng xin được thông tin để quý Bạn đọc quan tâm tham khảo * Nếu có bất kỳ vấn đề pháp lý nào bận tâm xin mời liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, trợ giúp pháp lý kịp thời. Đường dây nóng tư vấn Sở hữu trí tuệ toàn quốc: 0243.7.675.594 (HC) | 0913 092 912 – ZALO 0982 692 912 (cả ngày Thứ 7, CN)

Trân trọng.

〉〉 HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. Since 2007 | VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4.5, ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội | Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * E : luatsuanhbang@gmail.com | Hotline GĐ: 0913 092 912 * 0982 69 29 12 Luật sư Bùi Minh Bằng | W: hangluatanhbang.vn