Quy định không hạn chế số người đại diện theo PL của doanh nghiệp

Đại diện theo pháp luật là phạm trù được nhắc đến nhiều và đóng vai trò rất quan trọng trong một doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Xuất phát từ vai trò quan trọng đó, vấn đề người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp luôn được pháp luật chú trọng điều chỉnh sao cho phù hợp và chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan cũng như đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước.

Luật Doanh nghiệp 2014 với nhiều quy định mới mẻ, trong đó đặc biệt là quy định về người đại diện theo pháp tại khoản 2, Điều 13 như sau:

 “2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.”

Quy định này ra đời đã gặp phải khá nhiều ý kiến đánh giá của giới chuyên môn cũng như các doanh nghiệp. Tựu chung lại có thể thấy một số ưu điểm, hạn chế như sau:

Ưu điểm:

1. Thứ nhất

Quy định này đã đảm bảo tốt hơn quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp. Nó hướng tới việc tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp toàn quyền quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật cho mình trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Đứng dưới khía cạnh đảm bảo quyền tự do kinh doanh, đây là một quy định mang tính đột phá trong việc cho doanh nghiệp toàn quyền quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể hội nhập nhanh hơn, tận dụng được mọi cơ hội kinh doanh thông qua các đại diện theo pháp luật.

2. Thứ hai

Quy định này khắc phục được khó khăn trước đây trong việc thực hiện các giao dịch cũng như việc ký các văn bản của doanh nghiệp khi người đại diện theo pháp luật có công việc phải đi xa. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật, các văn bản liên quan đến doanh nghiệp đều phải do người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp ký tên.

3. Thứ ba

Quy định này đã “gỡ rối” cho doanh nghiệp trong trường hợp người đại diện duy nhất của doanh nghiệp bất hợp tác, không thực hiện các yêu cầu của thành viên/cổ đông trong quá trình quản lý điều hành doanh nghiệp trong nội bộ cũng như giao dịch với bên ngoài công ty. Bằng cách có nhiều hơn 1 người đại diện, sự lạm quyền, bất hợp tác như đã nói trên sẽ bị vô hiệu hóa.

Hạn chế

1. Thứ nhất

Về việc đảm bảo quyền lợi cho các đối tác. Khi thảo luận về dự thảo, có ý kiến đề nghị không nên quy định công ty TNHH và công ty cổ phần có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật vì sẽ khó xác định người đại diện cho công ty khi có tranh chấp, khởi kiện… Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng theo quy định như dự thảo, công ty hoàn toàn có thể tự quyết định, chỉ định một người đại diện theo pháp luật. Trường hợp cần thiết thì có quyền tự chủ quyết định việc có nhiều người đại diện theo pháp luật; phạm vi quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện phải được ghi rõ trong điều lệ công ty. Tuy nhiên, quy định này nếu không chặt chẽ, có thể gây ra những hậu quả nhất định đối với những chủ thể khác trong quan hệ với doanh nghiệp. Điều này thể hiện ở chỗ, mặc dù pháp luật không yêu cầu nhưng về logic, khi một doanh nghiệp cử hơn một người đại diện, trong nội bộ tổ chức doanh nghiệp sẽ quy định rõ thẩm quyền của mỗi người để tránh chồng chéo và tăng cường hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, nếu thông tin về việc phân công trách nhiệm chỉ giới hạn trong nội bộ doanh nghiệp, thì các chủ thể bên ngoài (đối tác…) sẽ khó mà biết được người đại diện mà mình đang đàm phán có thẩm quyền quyết định trong giao dịch mà mình hướng tới hay không.

2. Thứ hai

Mặc dù pháp luật quy định công ty TNHH, công ty cổ phần có thể có nhiều hơn một người đại diện nhưng vẫn chưa có cơ chế giải quyết được sự phân định trách nhiệm của doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong trường hợp người đại diện thực hiện các giao dịch không đúng thẩm quyền. Bản thân đối tác kinh doanh của các công ty này cũng rất khó có cơ chế để kiểm tra xem người đại diện theo pháp luật mà mình đang đàm phán có đầy đủ thẩm quyền để xác lập giao dịch với mình hay không.

3. Chính vì vậy:

Để có thể đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể khác, theo chúng tôi pháp luật cần kịp thời ban hành những quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này, đơn cử như sau:

– Quy định rõ: “Trong trường hợp doanh nghiệp có hơn một người đại diện theo pháp luật thì thẩm quyền của từng người đại diện theo pháp luật phải được thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn… ngày, kể từ ngày có quyết định cử người đại diện theo pháp luật”.

– Xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong giao dịch với chủ thể khác: “Mọi quy định hạn chế của công ty về phân công thẩm quyền giữa những người đại diện theo pháp luật của mình đều không có hiệu lực đối với bên thứ ba”. Hoặc cụ thể hơn: “Trường hợp người đại diện theo pháp luật xác lập giao dịch vượt ngoài thẩm quyền đại diện được phân công theo quy định của công ty với người thứ ba, thì giao dịch đó vẫn có giá trị đối với doanh nghiệp được đại diện, người đại diện sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với doanh nghiệp, trừ trường hợp, người thứ ba biết hoặc phải biết người đại diện đó không có thẩm quyền xác lập giao dịch với mình”.

Quý doanh nghiệp có nhu cầu thành lập doanh nghiệp, đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc tư vấn mọi vấn đề liên quan đến doanh nghiệp có thể liên hệ với chúng tôi để được cung cấp những dịch vụ hoàn hảo nhất!

Trân trọng./.

HÃNG LUẬT ANH BẰNG/ ANH BANG LAW

VPGD: P1503, tòa HH1, Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

SĐT: 043 7673 930. Fax: 043 7675 594.

Hotline: Trưởng Văn Phòng: 0913 092 912 (Mr. Bằng)

Email : luatsuanhbang@gmail.com

Website: http://anhbanglaw.com