Lạm dụng, bắt trẻ em đi ăn xin bị xử phạt như thế nào ?

HÀNH VI TỔ CHỨC, ÉP BUỘC, LẠM DỤNG TRẺ EM ĐI ĂN XIN – TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ. HÃNG LUẬT ANH BẰNG.


Ngày nay, khi đứng tại ngã ba, ngã tư của các Thành phố lớn không khó để bắt gặp hình ảnh của những đứa trẻ nheo nhóc, lấm lem cùng những người phụ nữ bồng trẻ còn bú sữa ngặt nghẹo, nê na đứng ngồi ngả mũ ăn xin. Điều đáng nói là đây đã trở thành vấn nạn, là một “nghề” kiếm sống của những người phụ nữ và những đứa trẻ này. Họ sử dụng nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau trên chính những đứa trẻ. Thậm chí có trường hợp một cặp đôi giả thương tật được cho là vợ chồng đã tiêm một thứ dung dịch không rõ là ma túy hay thuốc ngủ vào người những đứa trẻ để lợi dụng lòng tin của mọi người. Vụ việc này đã từng được đăng trên báo GD&ĐT. Đây không chỉ là những hành vi vi phạm quyền con người, quyền trẻ em mà còn là vấn đề về mặt đạo đức con người, làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới, ảnh hưởng đến việc đầu tư quốc tế vào Việt Nam và là một vấn đề pháp lý nóng bỏng cần ngăn chặn…

LẠM DỤNG TRẺ EM ĂN XIN

Trên website humantrafficking.org – trang tổng hợp các báo cáo từ những tổ chức uy tín nhất thế giới về nạn buôn người – có đoạn viết trong báo cáo chung về Việt Nam:

“Buôn bán trẻ em trong nội bộ quốc gia vẫn tồn tại như một thách thức đối với nạn bóc lột tình dục ở trẻ nhỏ, ăn cắp trên đường phố và ăn xin”.

Ngày 4/10/2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo tham vấn hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em trước khi trình Chính phủ.

Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ban hành ngày 29/10/2013 đã tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, cứu trợ xã hội, tạo chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, Luật Trẻ em 2016 đã bổ sung nhiều quy định mới về quyền và nghĩa vụ so với luật cũ như: cấm bạo lực đối với trẻ em; quyền của trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng và tham gia vào các vấn đề trẻ em; trách nhiệm cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột.

Bên cạnh đó, một số hành vi quy định trong Nghị định số 144/2013/NĐ-CP đã được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015. Một số hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định 144 có sự trùng lặp với các hành vi vi phạm đã được quy định tại các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác…

Do vậy, việc ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 144/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em là cần thiết nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Dự thảo đã có sự điều chỉnh tên gọi thành “Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em”.

Dự thảo gồm 4 chương, 51 điều, quy định rõ hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt đối với những vi phạm trong hoạt động bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Đáng chú ý là những hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe, gây tổn thương về tinh thần, ép buộc trẻ em đi xin ăn… sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng kèm theo các hình phạt bổ sung. Tuy nhiên trên thực tế không chỉ có các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 23 Dự thảo về vi phạm quy định về cấm lạm dụng, bóc lột trẻ em như lạm dụng, bóc lột trẻ em qua hình thức tổ chức, ép buộc trẻ em đi ăn xin; cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn mà còn rất nhiều hình thức khác cần lưu ý để có chế tài xử lý.
Ban Soạn thảo cũng quy định “Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng với hành vi bóc lột sức lao động trẻ em, bắt trẻ em lao động trước tuổi, quá thời gian, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật hoặc làm việc ở nơi mất an ninh trật tự, có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển của trẻ em”

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng đưa ra mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em. Ở đây là việc cho trẻ em sử dụng các chất trên để phục vụ cho việc đi ăn xin.

Trẻ em ví như một tờ giấy trắng, là đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, là mầm non tương lai của đất nước nhưng hiện nay còn rất nhiều trẻ em thiếu may mắn, bị lạm dụng, bạo hành, không được sống trong môi trường trong lành, không nhận được sự đùm bọc, chở che của gia đình, họ hàng, cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, vẫn đang xảy ra hiện tượng các tổ chức đoàn thể chính quyền ở cấp cơ sở địa phương chưa phát huy vị trí, vai trò của mình trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em; chưa chủ động, kịp thời nắm bắt thông tin, để có giải pháp can thiệp nhằm bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng. Chính tình trạng thờ ơ, ngại va chạm dẫn đến việc nhiều trẻ em vẫn đang phải sống trong cảnh cơ cực như tình trạng lạm dụng trẻ em đi ăn xin được phản ánh ở trên.

Lạm dụng, ép buộc trẻ em đi ăn xin chính là tội ác, là hình ảnh xấu xa nhất tồn tại trong xã hội, rất cần sự chung tay sẽ chia của cộng đồng và xã hội loại bỏ để bảo vệ trẻ em, bảo vệ chủ nhân tương lai đất nước. Không ai có quyền xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của trẻ em, kể cả cha mẹ ruột hoặc người thân thích. Cơ quan chức năng có thẩm quyền sẵn sàng tước đi quyền và nghĩa vụ của cha mẹ nếu họ có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc con cái như quy định của Luật Trẻ em và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em chuẩn bị trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, tạo công ăn việc làm hoặc đưa trẻ em lang thang, cơ nhỡ vào các trung tâm nuôi dưỡng, cơ sở giáo dục nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em bị bóc lột, lạm dụng buộc đi ăn xin, giúp các em sau này có thể tự nuôi sống bản thân, gia đình và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Hãng Luật Anh Bằng. Đường dây nóng tiếp nhận, tư vấn, trợ giúp pháp lý Bảo vệ Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của trẻ em, người lao động vị thành niên và các đối tượng dễ bị tổn thương:  0913 092 912 – 0982 69 29 12

Trân trọng.

Sức mạnh công lý -Hãng Luật Anh Bằng


HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. since 2007
VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4.5, Ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, Phường Yên Hòa,
Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * 0243. 7.647.459
W: anhbanglaw.com – luatsucovandoanhnghiep.vn
E : luatsuanhbang@gmail.com * hangluatanhbang@gmail.com
Hotline GĐ : 0913 092 912 – 0982 69 29 12 Luật sư Minh Bằng