Di sản dùng vào việc thờ cúng có sang nhượng được không ?

DI SẢN DÙNG VÀO VIỆC THỜ CÚNG CÓ SANG NHƯỢNG ĐƯỢC KHÔNG ?

Thưa Luật sư cho tôi được hỏi:

Trước khi mất, bố tôi có viết di chúc để lại 270m2 đất cho tôi, trong di chúc ghi rõ cho tôi để sử dụng vào việc thờ cúng. Tôi chỉ được phép ở trên đất và trông coi, hương khói ban thờ tổ tiên. Hiện tại, tôi có nhu cầu muốn bán một phần diện tích này (khoảng 60m2) để kiến thiết, xây dựng nhà thờ cho khang trang. Vậy Luật sư cho tôi hỏi tôi có thể bán một phần thửa đất này cho người khác không ?

Trả lời:

* Tại Điều 645 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:

“Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.”

Căn cứ quy định pháp luật trên, nếu trong di chúc người để lại di sản thừa kế đã nêu rõ di sản chỉ được sử dụng vào việc thờ cúng thì nhà đất đó không được chia thừa kế, đồng thời người được chỉ định quản lý cũng không được chuyển nhượng, tặng cho…

Trường hợp của bạn, ông đã chỉ định rõ diện tích 270m2 để sử dụng vào mục đích thờ cúng và bạn có trách nhiệm trông nom, quản lý, sử dụng vào mục đích thờ cúng.

* Tại Điều 618 quy định trách nhiệm của người quản lý di sản như sau:

“1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:

a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;

b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;

c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:

a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;

b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;

c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.

Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.”

Đối chiếu với quy định trên, trường hợp của bạn do mục đích sử dụng đất đã được ghi rõ trong di chúc là dùng vào việc thờ cúng nên bạn không được quyền chuyển nhượng, sang tên phần di sản này cho người khác.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi dựa trên những thông tin bạn cung cấp. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ hotline: 0982 692 912 – 0913 092 912 để được hỗ trợ kịp thời.

Xin cảm ơn!

〉〉 Hãng Luật Anh Bằng | Luật sư tư vấn | Dân sự | HNGĐ | Kinh tế | Hợp đồng |  Lao động | Hành chính | Tranh tụng | Hình sự…

HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. Since 2007 | VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4.5, ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội | Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * E : luatsuanhbang@gmail.com | Hotline GĐ: 0913 092 912 – 0982 69 29 12 Luật sư Minh Bằng | Web: hangluatanhbang.vn