Hãng Luật Anh Bằng. Căn cứ xác định Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước

CĂN CỨ XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC. HÃNG LUẬT ANH BẰNG. Điện thoại tư vấn: 0913 092 912 * 0982 69 29 12

Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về bản chất là trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có các điều kiện: (i) có thiệt hại xảy ra; (ii) có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại; (iii) có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại; (iv) có lỗi của người gây thiệt hại. Đây là những điều kiện chung nhất để xác định trách nhiệm của một người phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra. Vậy đối với trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phát sinh khi nào?

Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 (Luật TNBTNN năm 2017), đã quy định cụ thể căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, theo đó Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi đủ các căn cứ sau:

| Thứ nhất, có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng.

Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng bao gồm:

+ Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật TNBTNN và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường.

Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường là văn bản đã có hiệu lực pháp luật do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định, trong đó xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ hoặc là bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường. So với Luật TNBTNN năm 2009,  Luật TNBTNN năm 2017 đã quy định cụ thể các văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong các hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, cụ thể:

Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, bao gồm: Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; Quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại;Quyết định hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định hành chính vì quyết định đó được ban hành trái pháp luật; Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo; Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ trên cơ sở kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra; Quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật; Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật TNBTNN năm 2017.

– Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự bao gồm: Bản án của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường; Quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường; văn bản khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật TNBTCNN năm 2017.

– Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính bao gồm: Bản án, quyết định hình sự của Tòa án có thẩm quyền xác định người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính phạm tội ra bản án trái pháp luật, tội ra quyết định trái pháp luật hoặc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc; Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị cuối cùng của Chánh án Tòa án có thẩm quyền hoặc của Hội đồng xét xử theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra, quyết định đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát, Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính vì đã ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc nhưng được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự; Quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo của Chánh án Tòa án có thẩm quyền xác định người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đã có hành vi ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc và quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đó xác định hành vi trái pháp luật của người ra bản án, quyết định có đủ căn cứ để xử lý kỷ luật hoặc xử lý trách nhiệm hình sự nhưng chưa bị xử lý thì người đó chết; Quyết định xử lý kỷ luật người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đã có hành vi ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc; văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật TNBTNN năm 2017.

– Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự bao gồm: Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ;Quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại; Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo;Quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật; Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của của Luật TNBTCNN năm 2017.

– Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự bao gồm: Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; Quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại; Quyết định hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án vì quyết định đó được ban hành trái pháp luật; Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo; Văn bản của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trả lời chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; Quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật; Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật TNBTCNN năm 2017.

Đối với trường hợp giải quyết yêu cầu bồi thường kết hợp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính tại Tòa án thì căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng là:

+ Khi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và người có yêu cầu bồi thường phải có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.

+ Khi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và người có yêu cầu bồi thường phải có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.  |=> Ảnh minh họa: Nguồn internet. 

|| Thứ hai, có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Thiệt hại được hiểu là sự giảm sút các lợi ích về tài sản hoặc lợi ích về nhân thân so với tình trạng hiện hữu hoặc sự giảm sút các lợi ích mà chủ thể bị thiệt hại sẽ và chắc chắn có được trong tương lai trong một điều kiện bình thường nếu không có việc gây thiệt hại xảy ra. Thiệt hại thực được hiểu là thiệt hại có thực mà người bị thiệt hại phải chịu do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, bao gồm: (i) Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; (ii) thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; (iii) thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết; (iv) thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm; (v) thiệt hại về tinh thần; (vi) các chi phí khác: chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hai; chi phí đi lại để thăm gặp của thân nhân người bị tạp giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù về thi hành án hình sự.

|||  Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại ở đây được hiểu là thiệt hại thực tế mà người bị thiệt hại gánh chịu phải bắt nguồn từ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.  Nếu trường hợp một vụ việc có hành vi trái pháp luật, có thiệt hại thực tế phát sinh nhưng thiệt hại đó không bắt nguồn từ hành vi trái pháp luât, thì cũng không phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Hãng Luật Anh Bằng xin được gửi tới Quý Bạn đọc quan tâm tham khảo*. Nếu cần tư vấn, trợ giúp thêm vui lòng liên hệ với chúng tôi để được phục vụ.

Trân trọng.


HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. since 2007 | VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4.5, ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội | Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * E : luatsuanhbang@gmail.com | Hotline GĐ: 0913 092 912 – 0982 69 29 12