Tranh chấp Đất đai giải quyết ở đâu ? Trình tự như thế nào ?

TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI GIẢI QUYẾT Ở ĐÂU ? TRÌNH TỰ NHƯ THẾ NÀO ?

I. Căn cứ pháp lý:
– Luật đất đai năm 2013;
– Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015.

II. Tranh chấp đất đai:
1. Tranh chấp đất đai là gì ?.
Theo khoản 24 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 có quy định rằng: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”.
Có thể thấy khái niệm tranh chấp đất đai được nêu trong bộ luật là một khái niệm bao hàm cả tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về tài sản gắn liền với đất, và tranh chấp về địa giới hành chính.
Đất đang có tranh chấp được hiểu là loại đất mà giữa người sử dụng hợp pháp đất đó với cá nhân khác, với Nhà nước hoặc giữa những người sử dụng chung mảnh đất đó với nhau mà đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất, về tài sản gắn liền với đất, về ranh giới, về mục đích sử dụng đất hoặc về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất. Bên cạnh đó, đất đang có tranh chấp cũng có thể hiểu là đất tranh chấp giữa hai cá nhân chưa xác định được ai là người sử dụng đất hợp pháp.

Hòa giải tranh chấp đất đai

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

2. Tranh chấp đất đai được giải quyết ở đâu ?
Tranh chấp đất đai là một trong những tranh chấp chiếm tỷ lệ cao trong các vụ việc dân sự cần được Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Hiện có rất nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp đất đai và thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi người dân có yêu cầu.Theo Luật Đất đai năm 2013, tranh chấp đất đai được giải quyết như sau:

a, Tranh chấp đất đai giải quyết ở cấp xã.
Thuộc về những cơ quan có thẩm quyền như Ủy bản nhân dân xã, Phòng tài nguyên môi trường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã. Cụ thể:
– Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.
– Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
– Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

b, Giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền:
Theo khoản 3 Điều 203 Luật đất đai năm 2013, tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013 thì đương sự có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định như sau:
– Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
– Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

c, Giải quyết tranh chấp đất đai được tại Tòa án được quy định như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 203 Luật đất đai thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp được mở rộng hơn, Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp đất đai bao gồm:
– Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013;
– Tranh chấp về tài sản gắn liền với đất;
– Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013.
Theo quy định tại Điều 35 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai. Nếu các tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Sau khi đã xác định được cấp của tòa án, bước tiếp theo cần xác định thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ của tòa án. Cụ thể, Theo Điểm c Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trong trường hợp đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản mới có thẩm quyền giải quyết.

III. Trình tự giải quyết tranh chấp đất đai.
Căn cứ theo thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, trình tự giải quyết tranh chấp đất đai được chia làm 3 loại như sau:
– Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường;
– Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai theo trình tự hành chính;
– Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai theo trình tự tố tụng dân sự.

1. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã.
Điều 202 luật đất đai năm 2013 quy định:
– Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
– Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Theo đó, trình tự giải quyết tranh chấp đất đai ở cấp xã được thực hiện qua 2 bước, cụ thể như sau:

Bước 1: Tổ chức hòa giải.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình phải phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương. Thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Bước 2: Lập biên bản hòa giải.
Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Như vậy, theo quy định của pháp luật đất đai thì thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã là thủ tục bắt buộc các bên tham gia giải quyết.

2. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai theo trình tự hành chính.
Căn cứ Điều 203 Luật đất đai năm 2013 có quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai theo trình tự hành chính (Trừ khoản 1 điều này), cụ thể:
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

Thứ nhất, tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a, Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b, Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Thứ hai, trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
a, Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
b, Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

3. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai theo trình tự tố tụng dân sự.
Theo Khoản 1 Điều 203 luật đất đai năm 2013 quy định: “Tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do tòa án nhân dân giải quyết.”
Việc giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án được thực hiện theo quy định chung tại Bộ luật tố tụng dân sự. Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền.

Bước 1: Người khởi kiện vụ án gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền, thực hiện việc tạm ứng án phí và hoàn chỉnh hồ sơ, đơn khởi kiện theo yêu cầu của Tòa án.

Bước 2: Tòa án đã thụ lý vụ án, tiến hành hòa giải. Đây là giai đoạn bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ án dân sự do Tòa án chủ trì và tiến hành. Nếu hòa giải thành thì Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành, hết 07 ngày mà các bên đương sự không thay đổi ý kiến thì tranh chấp chính thức kết thúc.

Bước 3: Đưa vụ án ra xét xử. Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét xử theo thủ tục xét xử sơ thẩm ra bản án hoặc quyết định.
Nếu không đồng ý các bên vẫn có quyền kháng cáo theo trình tự phúc thẩm.
Trên đây là các nội dung tư vấn về vấn đề “Tranh chấp đất đai giải quyết ở đâu và trình tự giải quyết ?”. Mong bài viết sẽ giúp ích cho quý Bạn đọc tham khảo. Nếu còn vướng mắc xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua đường dây nóng Tư vấn trợ giúp pháp lý toàn quốc của Hãng Luật Anh Bằng: 0982 69 29 12 | 0913 092 912 – Ls Bằng. Email: luatsuanhbang@gmail.com.
Trân trọng./.

 


HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW | since 2007
VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4-5, ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
Web: anhbanglaw.com | luatsucovandoanhnghiep.vn | hangluatanhbang.vn
Email: luatsuanhbang@gmail.com | hangluatanhbang@gmail.com
Điện thoại: 0243.7.675.594 – 0243.7.673.930 -Fax: 0243.7.675.594
Hotline GĐ: 0913 092 912 * 0982 69 29 12 – Luật sư, ThS Minh Bằng


Hang Luat Anh Bang