Hãng Luật Anh Bằng – Như thế nào được coi là Phòng vệ chính đáng ?

NHƯ THẾ NÀO THÌ ĐƯỢC COI LÀ PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG ?

Xin chào Luật sư, cho tôi hỏi phòng vệ chính đáng được hiểu như thế nào và khi nào thì vượt quá phòng vệ chính đáng ?

Câu trả lời của Luật sư: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới chúng tôi, Hãng Luật Anh Bằng xin tư vấn về câu hỏi của bạn như sau:

Phòng-vệ-chính-đáng

I, Phòng vệ chính đáng:

Tại điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về phòng vệ chính đáng như sau:

“1, Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2, Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

Như vậy, khi xem xét một hành vi có được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần hội tụ đủ các yếu tố:

Thứ nhất, về phía nạn nhân: là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác (người thứ ba). Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ đáng kể ở đây là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân (người có hành vi xâm phạm). Trong tình huống của bạn, giả sử người kia sau khi đánh ngã bạn vẫn có ý định tấn công tiếp, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của bạn.

Thứ hai, về phía người phòng vệ: Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, có thể là thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác, thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại tính mạng hoặc sức khoẻ về cho người có hành vi xâm phạm. Người kia gây tổn hại về sức khỏe cho bạn và sau đó bạn cũng gây tổn hại về sức khỏe lại cho người đó.

Thứ ba, hành vi chống trả là cần thiết. Cần thiết là sự thể hiện tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi ích hợp pháp của mình, của xã hội. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng. Mặc dù mức thiệt hại bạn gây ra cho người kia lớn hơn mức thiệt hại bạn phải chịu nhưng điều này là cần thiết để bảo vệ sức khỏe đang bị đe dọa của mình.

II, Vượt quá phòng vệ chính đáng:

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Cho đến nay, “hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết” vẫn chưa được giải thích rõ ràng và đầy đủ từ phía cơ quan tư pháp. Chỉ có căn cứ duy nhất là Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong phần II có đề cập đến chế định phòng vệ chính đáng. Tuy đây chỉ là văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật nhưng qua thực tiễn xét xử thì cho đến nay, nó được sử dụng như là một văn bản giải thích chính thức của cơ quant ư pháp có thẩm quyền về chế định phòng vệ chính đáng, tinh thần của nó vẫn còn phù hợp với quy định của Điều 22 Bộ luật Hình sự.

Để xem xét hành vi chống trả có tương xứng hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như:

– Khách thể cần bảo vệ (bảo vệ địa điểm thuộc bí mật quốc gia, bảo vệ tính mạng);

– Mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra (thiệt hại tính mạng, thiệt hại về sức khỏe);

– Vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng (vũ khí nguy hiểm như súng, dao hay gậy gộc…)

– Nhân thân của người xâm hại (nam, nữ; tuổi; người xâm hại là côn đồ, lưu manh…);

– Cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ;

– Hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc (nơi vắng người, nơi đông người, đêm khuya…);

– Tâm lý của người phải phòng vệ: Họ có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp hay không, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ;

Sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả các mặt nói trên mà nhận thấy rõ ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và gây thiệt hại rõ ràng quá mức (như: gây thương tích nặng, làm chết người) đối với người có hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không tương xứng và là vượt quá giới hạn phòng vệ. Ngược lại, nếu hành vi chống trả là tương xứng thì đó là phòng vệ chính đáng.

Ví dụ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: Ông A đang lái xe máy trên đường thì bị hai tên cướp chặn đường, một tên dùng dao đâm vào ngực ông. Ông A đã chống trả, đạp ngã tên cướp thứ nhất và lấy dao rượt theo đâm trọng thương tên cướp còn lại khi hắn đang bỏ chạy. Trường hợp này, hành vi của ông A rõ ràng vượt quá giới hạn và có thể cấu thành tội cố ý gây thương tích.

Trên đây, Hãng Luật Anh Bằng trân trọng được gửi tới Quý Bạn đọc tham khảo. Đường dây nóng tiếp nhận yêu cầu tư vấn, trợ giúp pháp lý 24/7: 0982 69 29 12 * 0913 092 912 hoặc gửi yêu cầu tới địa chỉ Email: luatsuanhbang@gmail.com.

Trân trọng.

Công lý- Hãng Luật Anh Bằng


HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW | since 2007

VPGD: P. 905, Tòa nhà CT 4-5, ngõ 6, Phố Dương Đình Nghệ, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
Web: anhbanglaw.com | luatsucovandoanhnghiep.vn | hangluatanhbang.vn
Email: luatsuanhbang@gmail.com | hangluatanhbang@gmail.com
Điện thoại: 0243.7.645.594 – 0243.7.673.930 – Fax: 0243.7.675.594
Hotline GĐ: 0913 092 912 * 0982 69 29 12 Luật sư, ThS Minh Bằng