Hãng Luật Anh Bằng . Quyền bề mặt – Động lực thức đẩy nền kinh tế phát triển và hội nhập.
||| –> QUYỀN BỀ MẶT – ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP.
Bộ Luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 sẽ thay thế Bộ Luật Dân sự 2005. Lần đầu tiên, Bộ Luật Dân sự năm 2015 ghi nhận quyền của người không phải là chủ sở hữu, sử dụng đối với tài sản là quyền bề mặt, đây chính là chế định mới mà trước đây Bộ luật dân sự 2005 chưa đề cập đến.
Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác. (Quy định tại Điều 267 BLDS 2015). Quyền bề mặt được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc. (Điều 268 BLDS 2015).
Tại Điều 269, BLDS 2015 thì quyền bề mặt có hiệu lực từ thời điểm chủ thể có quyền sử dụng đất chuyển giao mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất cho chủ thể có quyền bề mặt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Quyền bề mặt có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Thời hạn của quyền bề mặt được xác định theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc di chúc nhưng không vượt quá thời hạn của quyền sử dụng đất. Trường hợp thỏa thuận hoặc di chúc không xác định thời hạn của quyền bề mặt thì mỗi bên có quyền chấm dứt quyền này bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên kia biết trước ít nhất là 06 tháng. (Điều 270, BLDS 2015).
Nội dung của quyền bề mặt được quy định tại Điều 271, BLDS 2015 như sau: Chủ thể quyền bề mặt có quyền khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng đất của người khác để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác nhưng không được trái với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên, khoáng sản và quy định khác của pháp luật có liên quan. Chủ thể quyền bề mặt có quyền sở hữu đối với tài sản được tạo lập theo quy định nêu trên. Trường hợp quyền bề mặt được chuyển giao một phần hoặc toàn bộ thì chủ thể nhận chuyển giao được kế thừa quyền bề mặt theo điều kiện và trong phạm vi tương ứng với phần quyền bề mặt được chuyển giao.
Quyền bề mặt chấm dứt trong trường hợp sau đây: Thời hạn hưởng quyền bề mặt đã hết; Chủ thể có quyền bề mặt và chủ thể có quyền sử dụng đất là một; Chủ thể có quyền bề mặt từ bỏ quyền của mình; Quyền sử dụng đất có quyền bề mặt bị thu hồi theo quy định của Luật đất đai; Theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của luật. (Điều 272 BLDS 2015).
Việc ghi nhận quyền bề mặt trong BLDS 2015, sẽ giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn mà hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết như xử lý tài sản trên đất trong trường hợp thu hồi đất khi hết thời hạn thuê đất; tranh chấp trong quản lý, sử dụng nhà chung cư … nó có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Doanh nghiệp được toàn quyền như một chủ sở hữu xây dựng công trình trên đất, có tác động tích cực để các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các loại tài sản trong xã hội không bị đóng băng mà luôn được tham gia lưu thông kinh tế, được sử dụng một cách hiệu quả và tiết kiệm; sử dụng và sở hữu tất cả tài sản tạo ra trên đất, được chuyển nhượng, cho thuê, mua bán, cầm cố như một chủ sở hữu đích thực.
Việc ghi nhận quyền bề mặt của BLDS 2015 là dấu mốc quan trọng trong hoàn thiện thể chế kinh tế và thúc đẩy giao lưu dân sự trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường. Qua đó, tạo một hành lang pháp lý rộng, mở đảm bảo cho tài sản là hàng hóa trong giao lưu dân sự được tối đa hóa giá trị không chỉ bởi chủ sở hữu, sử dụng mà còn bởi cả người không phải là chủ sở hữu, sử dụng; hạn chế được rủi ro pháp lý, giữ được sự ổn định gốc các quan hệ dân sự và tạo lập nền tảng vững bền cho các quan hệ khác hình thành nhằm tối ưu hóa mọi nguồn lực, động lực và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
______________________________________________________________
HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. Since 2007
# Thương hiệu mạnh về dịch vụ Luật sư Tư vấn Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội
VPGD: P.905, tòa nhà CT 4.5, Ngõ 6phố Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội
Dây nói: 0243.7.673.930 – 0243.7.675.594 – Fax: 0243.7.675.594
Dây nói: 0913 092 912 – Trưởng Hãng Luật – Luật sư, Ths Minh Bằng
Đường dây nóng tư vấn pháp luật Dân sự – Đất đai : 0982 69 29 12
______________________________________________________________