Hãng Luật Anh Bằng – Quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về Di chúc.

QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015 VỀ DI CHÚC | HÃNG LUẬT ANH BẰNG: Đường dây nóng tư vấn: 0243.7.675.594 – 0913 092 912 – 0982 69 29 12


Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.
Nội dung cơ bản của di chúc là chỉ định người thừa kế và phân định tài sản, quyền tài sản và giao nghĩa vụ tài sản cho người thừa kế.

Di-chúc-miệngVề chủ thể, người lập di chúc là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, được quy định tại Điều 625 BLDS 2015, theo đó:
– Người thành niên minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.

– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Người lập di chúc có những quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Về khách thể, người nhận di sản thừa kế là những người được chỉ định trong di chúc, có quyền nhận di sản do người chết để lại theo sự định đoạt trong di chúc. Người thừa kế theo di chúc có thể là người trong hàng thừa kế, ngoài hàng thừa kế hoặc cơ quan, tổ chức kể cả Nhà nước. Tuy nhiên, BLDS 2015 cũng quy định các trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (Điều 644 – BLDS):

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Quy định này cũng không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản và những người không có quyền hưởng di sản sau:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Tuy nhiên, những người này vẫn được hưởng di sản nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Như vậy, ta có thể thấy, quy định này của BLDS thể hiện rõ sự tôn trọng tự do ý chí của người lập di chúc.

Về hình thức lập di chúc, BLDS 2015 quy định di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

* Di chúc bằng văn bản bao gồm:

1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc. Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định của pháp luật về nội dung của di chúc.

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

– Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.

– Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.

4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc.
Việc lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã phải tuân theo thủ tục sau đây:

* Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc.

* Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.

Ngoài ra, Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ ở của mình để lập di chúc. Thủ tục lập di chúc tại chỗ ở được tiến hành như thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của Bộ luật.

Di chúc miệng được áp dụng trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Về nội dung, Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản.

Ngoài những nội dung trên, di chúc có thể có các nội dung khác.

Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

BLDS 2015 cũng quy định rõ ràng tính hợp pháp của di chúc tại Điều 630 của Bộ luật, theo đó:

Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

* Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

* Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

– Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

– Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

– Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

– Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Về việc Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc.

Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

Về hiệu lực của di chúc, hiệu lực của di chúc được quy định tại Điều 643 BLDS 2015:

1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.

2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:

a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.

3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.

5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

Về công bố di chúc, được quy định tại Điều 647 BLDS 2015:

Trường hợp di chúc bằng văn bản được lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng thì công chứng viên là người công bố di chúc.

Trường hợp người để lại di chúc chỉ định người công bố di chúc thì người này có nghĩa vụ công bố di chúc; nếu người để lại di chúc không chỉ định hoặc có chỉ định nhưng người được chỉ định từ chối công bố di chúc thì những người thừa kế còn lại thỏa thuận cử người công bố di chúc.

Sau thời điểm mở thừa kế, người công bố di chúc phải sao gửi di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc.

Người nhận được bản sao di chúc có quyền yêu cầu đối chiếu với bản gốc của di chúc.

Trường hợp di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài thì bản di chúc đó phải được dịch ra tiếng Việt và phải có công chứng hoặc chứng thực.

Về giải thích nội dung di chúc, được quy định tại Điều 648 BLDS 2015:

Trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau thì những người thừa kế theo di chúc phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trường hợp có một phần nội dung di chúc không giải thích được nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của di chúc thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực.

Ngoài những quy định trên, BLDS 2015 bổ sung thêm những quy định mới, rõ ràng hơn so với BLDS năm 2015. Cụ thể:

Thứ nhất, trường hợp di chúc bị thất lạc, hư hại. Theo quy định của BLDS 2005 và BLDS 2015 thì nếu thời điểm mở thừa kế mà bản di chúc bị thất lạc thì sẽ chia theo pháp luật; nếu di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.
Tuy nhiên, BLDS 2015 đã quy định thêm một vấn đề, đó là trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu. Quy định này thể hiện sự tôn trọng ý chí của người để lại di sản thừa kế; thể hiện được bản chất của di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Thứ hai, di sản dùng vào việc thờ cúng. BLDS 2015 quy định cụ thể về di sản dùng vào việc thờ cúng tại Điều 645 của Bộ luật. Theo đó, Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

Thứ ba, bổ sung điều kiện đối với người di tặng. BLDS 2005 và BLDS 2015 đều ghi nhận “Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc.” Tuy nhiên, BLDS 2005 chưa nêu rõ điều kiện của người di tặng. BLDS 2015 đã bổ sung điều kiện của người di tặng tại Khoản 2 Điều 646 như sau: Người được di tặng là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người được di tặng không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Đồng thời, tại Khoản 3 của Điều này cũng quy định người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.

Hình-ảnh-thừa-kế

TÌNH HUỐNG:

Ông A và bà T có 3 người con là B, C và D. Ông A chết để lại di chúc như sau: số tiền 800 triệu đồng do ông A tự tiết kiệm được chia cho B 350 triệu, chia cho C 350 triệu, chia cho bà T 100 triệu và ngôi nhà ông A ở lúc còn sống để lại cho bà T làm nơi thờ cúng. Không để lại di sản cho D vì khi ông A còn sống D thường xuyên đánh đập, chửi rủa khiến ông A nhiều lần phải nhập viện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đã bị kết án do có hành vi ngược đãi đối với ông A. Tuy nhiên, D không đồng ý với nội dung di chúc và cho rằng D là con trai ông A và thuộc hàng thừa kế thứ nhất, D có quyền nhận di sản thừa kế.Vậy, yêu cầu của D có được chấp nhận không? Di chúc ông A để lại đã hợp lý chưa? Tại sao?

Theo quy định của Pháp luật hiện hành, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Theo Điều 626 BLDS 2015 quy định về quyền của người lập di chúc:

“Người lập di chúc có quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Như quy định trên, việc ông A để lại di chúc trên là theo ý chí của ông, thực hiện đúng quyền chỉ định người thừa kế và phân định phần di sản thừa kế của mình.

Theo Điều 621 BLDS năm 2015 quy định: Người không được quyền hưởng di sản.

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Trong trường hợp này, D thuộc trường hợp quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 621 là người không được hưởng di sản. Hơn nữa, trong di chúc của ông A cũng nêu rõ không để lại di sản cho D, đây là ý chí cá nhân của ông A trong việc phân định di sản thừa kế.
Như vậy, việc D không được hưởng di sản thừa kế là có cơ sở pháp luật.
Về nội dung của di chúc:

Theo Điều 645 BLDS 2015 quy định “Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng” như vậy, ngôi nhà mà ông A để lại cho bà T để làm nơi thờ cúng không được chia thừa kế. Ông A đã giao lại cho bà T để quản lý và thờ cúng. Nên phần di sản thừa kế là số tiền 800 triệu

Theo Điều 644 BLDS 2015 quy định về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc: “1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Trong trường hợp này, bà T là vợ của ông A, được ông A để lại cho ngôi nhà để thờ cúng, là phần di sản không được chia thừa kế. Bà T được nhận 100 triệu, ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản chia theo pháp luật. Như vậy, phần di sản bà T chắc chắn nhận được theo quy định trên là 170 triệu trong tổng số tiền 800 triệu ông A để lại.

Luật pháp - văn minh nhân loại.

HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW (Từ năm 2007). Chúng tôi, hãng luật hàng đầu tại Hà nội với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn, cung ứng các dịch vụ pháp lý tư vấn về dân sự, thừa kế, soạn thảo chức thư, làm chứng chúc thư, công bố chúc thư, xác định tính hợp pháp, xác thực, khách quan về giá trị của chúc thư, trình tự, thủ tục phân chia di sản thừa kế theo di chúc; tư vấn đơn thư, thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp thừa kế tại Toà án; cử Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đương sự tại Toà án các cấp. Quý khách có nhu cầu tư vấn, cung ứng các dịch vụ pháp lý về thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật … xin vui lòng liên hệ với chúng tôi – HÃNG LUẬT ANH BẰNG để được tư vấn trao giải pháp tối ưu và thụ hưởng dịch vụ chuyên nghiệp, hoàn hảo. Tôn chỉ hoạt động của chúng tôi là: || Tạo lập Nền tảng Vững bền || ^^ Tạo lập một nền tảng pháp lý vững bền cho khách hàng, thân chủ^^. Đường dây nóng tiếp nhận yêu cầu: 0913 092 912 * 0982 69 29 12.

Trân trọng.


HÃNG LUẬT ANH BẰNG | ANH BANG LAW. since 2007
VPGD: P. 905, Tòa nhà CT4-5, ngõ 6,Phố Dương Đình Nghệ, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Dây nói: 0243.7.673.930 * 0243.7.675.594 * 0243. 7.647.459
E : luatsuanhbang@gmail.com * hangluatanhbang@gmail.com
W: anhbanglaw.com – luatsucovandoanhnghiep.vn
Hotline GĐ : 0913 092 912 – 0982 69 29 12 Luật sư Minh Bằng


Tranh chấp Đất đai – Khiếu hay Kiện ?. Hãng Luật Anh Bằng.

Các dự án khác